Từ năm 2021, Việt Nam đã áp dụng Tiêu chuẩn Quốc gia QCVN06:2021 và Nghị định 136, với nhiều thay đổi so với QCVN 06:2010 và Nghị định 79 nhằm nâng cao quy chuẩn an toàn phòng cháy trong các tòa nhà, công trình. Quy định mới đã tiệm cận theo chuẩn quốc tế, nhưng để đi vào thực tế cuộc sống, cần sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực này để định hướng thị trường.
Quy chuẩn và phương pháp thử mới nâng cao khả năng phòng cháy
So với Quy chuẩn và Nghị định cũ, QCVN 06:2021 và Nghị định 136 đã có một số thay đổi nhất định để nâng cao quy chuẩn an toàn phòng cháy thông qua các giải pháp nguyên vật liệu dựa trên nghiên cứu thực tiễn về khả năng chịu nhiệt, chịu lửa của một số vật liệu đặc thù như kính, vách, khung, vật liệu đệm…
Nếu Nghị định 79 cho phép áp dụng vật liệu đã vượt qua thử nghiệm theo kích thước 480mm x 480mm trên tất cả các ứng dụng chống cháy trong công trình, thì Nghị định 136 bắt buộc tất cả các ứng dụng chống cháy phải được thí nghiệm như một hệ thống hoàn chỉnh, không chỉ các cấu kiện đơn lẻ; thử nghiệm với kích thước thực của vật liệu hoặc với kích thước 3m x 3m, theo các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) tham chiếu từ tiêu chuẩn quốc tế và các tiêu chuẩn quốc tế khác khi chưa có TCVN tương ứng.
Mục đích của các vật liệu chống cháy là để đảm bảo ngọn lửa bị bao vây, cô lập tại nơi xảy ra và không cho lan truyền tới các khu vực khác. Điều này nhằm giúp người ở bên trong có thể di tản một cách an toàn. Trên thị trường có ba hạng chống cháy là hạng E (chỉ đảm bảo tính nguyên vẹn); hạng EW (đảm bảo tính nguyên vẹn và kiểm soát bức xạ); hạng EI (đảm bảo tính nguyên vẹn và cách nhiệt). Theo QCVN 06:2021, hầu hết các ứng dụng chống cháy trong tòa nhà cần phải đạt hạng EI. Tuy nhiên, điều này là khó khả thi về mặt chi phí khi áp dụng phương pháp thử mới theo Nghị định 136.
Theo các chuyên gia, trong suốt đám cháy, những người ở trong nhà phải có lối thoát an toàn, chỉ có thể có khi bức xạ nhiệt ở bề mặt không cháy bị giới hạn hoặc triệt tiêu. Ứng dụng chống cháy hạng EW/EI rất phù hợp yêu cầu này. Dù vậy, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng ứng dụng hạng EW để phù hợp với các yếu tố thực tiễn và giá thành.
Phân tích cụ thể, các chuyên gia chỉ ra, hạng EI có thể cách nhiệt hoàn toàn, nhưng vật liệu đáp ứng hạng này cũng có giá thành rất cao, kích thước dày và rất nặng, nên khó được ứng dụng rộng rãi. Do trọng lượng nặng, cửa kính hạng EI sẽ khó khăn khi đẩy hoặc kéo, tiềm ẩn nguy cơ trong thoát hiểm khi có hỏa hoạn.
Trong khi đó, hạng EW có cấu kiện thỏa mãn điều kiện bức xạ nhỏ hơn 15kW/m2 tại khoảng cách 1m của mặt không cháy. Thực tế trong trường hợp có sự cố cháy, bức xạ nhiệt bị giới hạn ở mức này giảm thiểu đủ để tạo ra lối di tản an toàn.
Hạng EW đã được dùng phổ biến ở châu Âu, Trung Đông và châu Á, vốn yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chống cháy. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hạng chống cháy này chưa được chấp nhận, bởi QCVN 06/2021 mới chỉ công nhận 2 hạng chống cháy là E và EI. Đây cũng là điểm cần sự đồng hành của các chuyên gia để chuẩn hóa quy định trong tương lai gần.
Đồng hành của chuyên gia giúp sớm đưa quy chuẩn vào thực tế
Tiêu chuẩn kiểm tra khả năng chống cháy tại Việt Nam hiện được đánh giá ngang bằng với các quy chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất. Việc ứng dụng theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ góp phần nâng tầm chất lượng công trình tại Việt Nam.
Tuy nhiên, QCVN 06:2021 mới có hiệu lực nên còn những khó khăn nhất định khi triển khai. Để quy chuẩn mới sớm đi vào thực tế, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu chống cháy đã đồng hành cùng cơ quan chức năng để phổ biến các quy chuẩn này, ngay từ khi QCVN06:2021 đang trong quá trình xây dựng.